Thành phần hóa học
Tinh dầu bạch dương ngọt có thành phần chủ yếu (hơn 99%) là methyl salicylate – một tiền chất của aspirin. Aspirin là một trong những loại thuốc kháng viêm, giảm đau hiệu quả hiện nay. Ngoài ra, còn một số thành phần khác chiếm tỷ lệ thấp như axit salicylic, betulene, betulenol. Những hợp chất trên đều được dùng trong hoá dược với tác dụng kháng viêm, sát trùng, kháng khuẩn, chống oxy hoá,…
Nguồn gốc
Tinh dầu bạch dương là tinh dầu được chiết xuất từ cây bạch dương. Bạch dương được phân loại là cây rụng lá và đã được sử dụng làm cây trang trí cũng như cây thuốc từ thời cổ đại. Có hai loại bạch dương là bạch dương trắng (Betula Pendula) và bạch dương đen (Betula Lenta). Thành phần chính của tinh dầu này là axit salicylic, methyl salicylate, betulene và betulenol.
Bạch dương ngọt còn có tên khác là Bạch dương đen, Bạch dương anh đào, Bạch dương sắt.
Tên khoa học: Betula lenta – Họ thực vật: Betulaceae (Bạch dương, Cáng lò).
Bạch dương ngọt là một loài cây gỗ cao khoảng đến hơn 20 mét – duyên dáng với những chiếc lá xanh tươi và vỏ cây màu nâu đỏ. Cây có nguồn gốc ở miền nam Canada và Đông Bắc Hoa Kỳ và phát triển ở những vùng có khí hậu như Nga, các nước Đông Âu. Tại Việt Nam, một số cây đã được phát hiện ở vùng núi cao khoảng 800 mét trở lên ở Mù Cang Chải, Sa Pa, Mường Khương, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Bạch dương ngọt được coi là “mộc vương” của các loài cây. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do cây có thân gỗ cứng gấp đôi các loại kim loại thông thường. Gõ vào thân cây sẽ nghe tiếng “tang tang” giống như khi gõ vào kim loại.
Tinh dầu bạch dương ngọt được chiết xuất từ vỏ cây bạch dương qua kỹ thuật chưng cất hơi nước. Vì mật độ gỗ cao của thân cây mà trước khi chưng cất tinh dầu cần ướp và ngâm vỏ cây trong ít nhất 12 giờ. Tinh dầu có mùi thơm ngọt ngào, nồng cay mà tươi mát. Với thành phần chủ yếu là methyl salicylate, mùi hương quen thuộc của nó gợi nhắc đến những miếng cao salonpas của ông bà cha mẹ, những cái kẹo cao su Mỹ, …
Mùi hương của tinh dầu bạch dương ngọt tương tự như với tinh dầu lộc đề xanh (Wintergreen) nhưng nồng nàn và sắc nét hơn. Là một trong rất ít những tinh dầu nặng hơn nước, nên tinh dầu bạch dương ngọt hay chìm, thay vì nổi trong ngăn tách.
Lưu ý khi sử dụng
Hoạt chất chính của tinh dầu bạch dương ngọt là tiền chất của aspirin, vì vậy chống chỉ định đối với bất kỳ ai nhạy cảm hay dị ứng với aspirin. Ngoài ra có vấn đề về gan, đang dùng thuốc chống đông máu, bị động kinh hoặc co giật cũng nên thận trọng và hỏi ý kiến trước khi sử dụng
Mùi vị của tinh dầu bạch dương ngọt tương tự như một số loại kẹo bánh trên thị trường nên cần để tránh xa khỏi vòng tay của trẻ em, người già.
Tinh dầu bạch dương có khả năng độc hại và có thể gây kích ứng da nên phải luôn được sử dụng một cách thận trọng và với độ pha loãng chính xác. Không nên bôi trực tiếp tinh dầu chưa pha loãng vào các vùng da nhạy cảm như khu vực mắt, niêm mạc, các vùng có vết thương hở …
Trong quá trình sử dụng tinh dầu, nếu có các dấu hiệu dị ứng như mẩn đỏ, ngứa, choáng, nôn ói, nổi mề đay, phát ban, … ngừng sử dụng ngay lập tức, tiếp tục theo dõi sức khỏe và liên hệ hỗ trợ y tế khi cần thiết.
Mùi hương của tinh dầu bạch dương được pha trộn tốt nhất với tinh dầu cam quýt, tinh dầu sả, tinh dầu gỗ tuyết tùng, gỗ đàn hương.