Phương pháp chưng cất hơi nước
Phương pháp này cho ra tinh dầu có độ tinh khiết cao, được sử dụng cho những loại tinh dầu chiết từ lá, hoa, rễ và vỏ cây. Chẳng hạn như: tinh dầu oải hương, nhài, bạc hà, đàn hương, sả chanh,…
Các nguyên liệu sẽ được cho vào bình kín sau đó nấu lên. Hơi nước đem theo tinh dầu qua bình ngưng tụ lại thành hỗn hợp chất lỏng. Lúc này hiện tượng tách lớp nước và tinh dầu sẽ xảy ra. Người ta tiến hành tách nước và loại bỏ tạp chất, sau đó thu được tinh dầu nguyên chất.
Điểm nổi bật: có thể tạo ra tinh dầu nhanh chóng. Người thực hiện có thể biết được sự biến đổi dưỡng chất của tinh dầu. Lưu ý, nếu nhiệt độ quá cao thì các hợp chất có thể bị biến đổi theo hướng tiêu cực.
Phương pháp chiết xuất bằng dung môi
Thường áp dụng cho những loại tinh dầu (thường là các loại tinh dầu hoa) khó chiết xuất, dễ bay hơi. Chúng ta cần một chất dung môi (rượu, axeton, propan và hexane) để kéo tinh dầu lại, giảm sự bay hơi của tinh dầu theo phương pháp này.
Ưu điểm: chiết xuất ra tinh dầu nguyên chất rất cao.
Phương pháp ướp
Phương pháp ướp được áp dụng để lấy tinh dầu từ các loại hoa. Sử dụng 1 khuôn gỗ, đặt lên đấy tấm thủy tinh được phết mỡ lợn cả 2 mặt, lớp thủy tinh dày khoảng 3mm. Đặt lên trên bề mặt 1 lớp lụa mỏng, rải lên đấy 30 – 80g (tùy vào nhu cầu sử dụng) hoa tươi khô ráo, không bị dập nát.
Khoảng 35 – 40 khuôn gỗ được xếp chồng lên nhau, để trong phòng kín. Sau 24 – 72 giờ tùy theo từng loại hoa, người ta thay lớp hoa mới cho đến khi chất béo bão hòa tinh dầu. Có thể dùng mỡ có chứa tinh dầu tự nhiên, hoặc tách riêng tinh dầu bằng alcohol. Quá trình này rất công phu và đòi hỏi thời gian dài để thực hiện.
Phương pháp ép lạnh
Thường dùng cho những loại tinh dầu được chiết xuất từ vỏ của quả (tinh dầu cam, quýt, bưởi, chanh…) hoặc những loại thực vật dễ chiết xuất được tinh dầu.
Tinh dầu được chiết xuất bằng phương pháp ép lạnh không bị tác dụng bởi nhiệt, vì thế cho ra tinh dầu có hàm lượng, mùi vị đạt chuẩn nhất.